Thương hiệu giải pháp thiết bị cho ngành chế biến thuỷ sản
Hotline - 0903903440 -  0981807810

Kỳ vọng vào POR14?

Trong số mới nhất về thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam lần thứ 14 (POR14), mức thuế mà hầu hết doanh nghiệp Việt nam phải chịu đã “dễ thở” hơn so nhiều lần thuế trước đó, thế nhưng, vẫn không như mong đợi của các đơn vị xuất khẩu.


Xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn

Khác so với sơ bộ

Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Thương  mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào nước này trong giai đoạn từ 1/8/2016 đến 31/7/2017. Theo đó, mức thuế cuối cùng đối với Công ty CP Hùng Vương là 3,87 USD/kg; NTSF Seafood vẫn giứ mức 1,37 USD/kg so với mức thuế sơ bộ. Bốn doanh nghiệp cá tra khác là C.P Vietnam, CL-FISH, Green Farm Seafood và Vinh Quang Corp bị áp mức thuế 1,37 USD/kg. Mức thuế suất toàn quốc áp dụng là 2,39 USD/kg.

Mức thuế cuối cùng này dù thấp hơn so với POR13 (tất cả các đơn vị ở Việt Nam đều bị áp thuế chống bán phá giá là 3,87 USD/kg) nhưng lại cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ hồi tháng 9/2018; đây là điều ngoài mong đợi với chức năng và các doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Và doanh nghiệp phải chịu áp lực rất lớn về thuế mà Hùng Vương là nặng nhất, trong khi đó, Công ty CP Thủy sản Biển Đông và Công ty CP Vĩnh Hoàn lần lượt chịu mức thuế là 0,19 và 0 USD/kg.

Phân chia thị trường 

Theo ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang, về mặt lý thuyết, khi thuế chống bán phá giá tăng sẽ tạo rất nhiều khó khăn cho việc chinh phục thị trường Mỹ của doanh nghiệp; thế nhưng, lại là cơ hội tốt để những doanh nghiệp đủ khả năng tận dụng khai thác, mà Công ty Vĩnh Hoàn và Biển Đông là điển hình.

Cũng theo ông Văn, tình hình này vẫn tốt hơn khi có nhiều doanh nghiệp cùng xuất khẩu vào Mỹ. Bởi, nếu thuế giảm sẽ có khoảng 7 công ty xuất khẩu vào nước này, khi đó sẽ có sự cạnh tranh về phá giá, không chỉ ảnh hưởng ở thị trường Mỹ mà còn tác động đến các thị trường khác.

“Mỹ áp thuế, nhưng Biển Đông và Vĩnh Hoàn vấn bán được, khi có lợi nhuận cao sẽ thúc đẩy mua ở trong nước,  giúp giữ giá cho thị trường Việt Nam không bị xuống thấp”, ông Văn cho biết thâm. Cùng đó, khi hai đơn vị này tập trung vào thị trường Mỹ, những đơn vị khác khai thác các thị trường còn lại sẽ tốt hơn.

Đơn cử như Công ty CP Gò Đàng là bị đơn bắt buộc trong POR13 với thuế lên đến 3,87 USD/kg nên Công ty này đã phải ngừng xuất khẩu vào Mỹ, thay vào đó, họ chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc và châu Âu, kết quả rất thuận lợi.

Vẫn không dễ dàng

Theo số liệu từ VASEP, tính đến hết tháng 3/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 472,2 triệu USD, tăng 7,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường Mỹ, trước thềm Bộ Thương mại nước  này công bố mức thuế cuối cùng POR14, doanh số bán hàng vào thị trường này giảm 5%. Tuy nhiên, theo đánh giá, nguyên nhân là do các nhà nhập khẩu Mỹ ưu tiên hàng thủy sản Trung Quốc do lo ngại thuế quan trong chiến tranh thương mại. Nhưng, tại Mỹ, với mức thuế 0% thì Vĩnh Hoàn gần như chiếm trọn lợi thế. Tỷ lệ xuất khẩu vào Mỹ của Vĩnh Hoàn tăng từ 40% lên 50% trong năm 2018.

Hiện nay, dù mức thuế đã giảm, thế nhưng khó khăn khi xuất khẩu vào Mỹ vẫn rất nhiều, bởi ngoài chịu ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá cao, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam xuất sang thị trường này còn chịu sự giám sát của Chương trình thanh tra cá tra vào thị trường Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam trên lý thuyết khá rõ, thế nhưng, thực tế lại không hề đơn giản, buộc các đơn vị phải tính toán.