Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.
VASEP cho biết, nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái. Do vậy xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018.
Xuất khẩu giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém. Tháng 7, xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục tuy nhiên, xuất khẩu lại chững trong 2 tháng 8 và 9. Cụ thể, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng 13% trong tháng 7/2019, giảm nhẹ 1,6% trong tháng 8 và tiếp tục giảm 7,4% trong tháng 9. Trong tháng 9/2019 đạt 307,3 triệu USD, giảm 7,4%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69,4%, tôm sú chiếm 20,9% và còn lại là tôm biển. Xuất khẩu tôm chân trắng đạt 1,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tôm sú đạt 508,2 triệu USD, giảm 16%; xuất khẩu tôm biển khác đạt 236,5 triệu USD, tăng 6,3%. Xuất khẩu tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 35%. Xuất khẩu tôm biển chế biến đóng hộp tăng tốt nhất 33,5%.
Tháng 9/2019, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là EU chỉ đạt hơn 61 triệu USD, giảm 23% so với tháng 9/2018. Giá nhập khẩu tôm trung bình vào EU giảm 1 USD/kg so với năm 2018. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2019 giảm 18% đạt 64,7 triệu USD. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 476,9 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, thị trường Nhật Bản cũng chỉ đạt 444,7 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc tăng 7,2% đạt 382,3 triệu USD.
Xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào những tháng cuối năm khi lượng tồn kho giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường EU những tháng cuối năm chưa thể phục hồi. Cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thủy sản đang ở vùng đáy kể từ đầu năm, dù thị trường chung tăng trên 10% so với cuối năm ngoái.