Không chỉ siết chặt buôn bán tiểu ngạch với các loại nông sản, đến lượt thuỷ sản cũng bị thị trường Trung Quốc áp dụng chính sách này, khiến một số mặt hàng xuất khẩu như mực, tôm hùm, cá tra,... giảm giá mạnh, người nuôi lỗ tiền tỷ.
Loạt mặt hàng thuỷ sản giảm giá kỷ lục
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra giảm mạnh, từ 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra chỉ đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm trước.
Đáng chú ý, với thị trường lớn là Mỹ, đến hết tháng 6, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước (tháng 6 giảm tới 41%). Trong khi đó, tại trường xuất khẩu đình đám là Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) cũng không mấy khả quan. Xuất khẩu cá tra sang thị trường này có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường chỉ tăng 1,2%.
Giá tôm hùm ở Khánh Hoà đang giảm kỷ luật, khiến người dân thua lỗ nặng
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, giá cá tra đã giảm gần 16.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018, đang ở mức thấp nhất 2 năm qua.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, nhận định, với mức giá bán như hiện tại, người nuôi đang lỗ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg. Trong khi muốn cắt lỗ cũng không dễ vì không bán được hàng.
Tương tự, ở Khánh Hoà người nuôi tôm hùm cũng như ngồi trên đống lửa vì giá giảm kỷ lục. Đơn cử, giá tôm hùm xanh dao động từ 400.000-550.000 đồng/kg, tức giảm 50.000-100.000 đồng/kg; tôm hùm bông giảm còn 1-1,1 triệu đồng/kg (loại 1), giảm 500.000-600.000 đồng/kg so với tháng trước.
Với giá này, người nuôi trên địa bàn thu hoạch thua lỗ nặng, ít nhất hàng trăm triệu, còn nhiều lên đến tiền tỷ. Một người nuôi tôm hùm ở xã Cam Bình (Khánh Hoà) than thở, gia đình họ mới chỉ thu hoạch 20 lồng tôm mà số tiền lỗ đã lên tới 700 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 6, bà con ngư dân ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng lâm cảnh khó khăn khi hàng ngàn tấn mực khô rơi cảnh ế ẩm dù giá đã giảm xuống rất thấp.
Một số chủ tàu cho biết, giá mực hạ thấp nhưng thương lái vẫn không chịu thu mua. Mực ế chất đống không bán được khiến hàng loạt tàu thuyền phải làm bờ bởi không có tiền trả chi phí nhân cao lao động và phí tổn cho chuyến đi biển trước đó.
Lỗ nặng do Trung Quốc siết buôn bán tiểu ngạch
Trước tình trạng hàng ngàn tấn mực đang ế ẩm, không có đầu ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, từ trước đến nay mực ở địa phương vẫn được thương lái thu mua chủ yếu để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Thế nhưng gần đây, Trung Quốc yêu cầu việc nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp trong đó có mực khô phải theo đường chính ngạch, thay vì tiểu ngạch như trước. Theo đó, khoảng gần 1.000 tấn mực khô của bà con ngư dân huyện Núi Thành bị tồn đọng. Dự kiến lượng mực khô tồn đọng còn tăng bởi nhiều tàu đánh bắt kết thúc chuyến đi và cập bến thời gian tới.
Đầu tháng 7, UBND tỉnh Quảng Nam phải có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT và VASEP kêu cứu, đề nghị hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn mực khô đang tồn đọng tại địa phương do không thể xuất sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng đàm phán với phía Trung Quốc để mực khô tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian sớm nhất.
Tình trạng tôm hùm mất giá kỷ lục khiến người nuôi thua lỗ tiền tỷ cũng được cho là do việc buôn bán bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bị siết chặt.
Trung Quốc siết nhập khẩu qua đường tiểu ngạch khiến xuất khẩu cá tra sang thị trường này khá ẩm đảm
Trên báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa xác nhận và cho biết, đơn vị đã thông báo cho các địa phương và người nuôi biết là không chỉ Trung Quốc mà thị trường các nước khác cũng muốn Việt Nam phải xuất khẩu thủy hải sản chính ngạch để truy suất nguồn gốc.
Phó cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), ông Trần Đình Luân, cho hay, việc xuất khẩu cá tra chính ngạch của các công ty vẫn bình thường, song năm nay có tình trạng Trung Quốc siết chặt buôn bán tiểu ngạch. Nếu trước kia, phía doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam thấy cá là mua, đóng gói rồi mang về thì hiện nay họ không làm như vậy nữa. Cá tra phải có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng mới được thu mua.
Theo ông Luân, tới đây chúng ta tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường Trung Quốc theo hướng xuất khẩu chính ngạch, tạo cung cầu ổn định lâu dài. Hy vọng, nửa đầu năm Trung Quốc nhập nhiều cá tra đã tiêu thụ hết thì nửa cuối năm nhu cầu sẽ tăng lên, xuất khẩu cá tra được đẩy mạnh. Ngoài ra, xuất khẩu cá tra cần mở rộng sang cả các thị trường khác, đặc biệt là thị trường trong khối CPTPP và EVFTA.
Trước đó, nhiều mặt hàng nông sản Việt nam cũng bị ảnh hưởng nặng, bế tắc đầu ra, nông dân lỗ nặng do chính sách siết chặt nhập khẩu hàng hoá qua đường tiểu ngạch của Trung Quốc.