Với mức thuế xuất khẩu sẽ giảm về 0% thay vì 4-11% như trước, EVFTA được kỳ vọng tạo nên sự đột phá cho mặt hàng tôm tại thị trường EU.
Theo Vasep, thị trường EU chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Các mặt hàng tốm xuất khẩu qua thị trường này chủ yếu là tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến. Hiện nay các mặt hàng này đang phải chịu mức thuế từ 12 – 20%. Cụ thể, tôm nguyên liệu mã HS 03061100 hiện tại là 12,5%, thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 là 20%. Tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 là 12%. . Hiện tại, mức thuế GSP (mức thuế quan ưu đãi phổ cập) mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%. Tất cả những mức thuế này sẽ được điều chỉnh về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Chia sẻ về thông tin này, ông Lê Văn Quang, chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, đây là tin vui đối với Minh Phú cũng như các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Hiệp định EVFTA rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bởi vì các mức thuế xuất khẩu vào EU sẽ giảm về 0% thay vì 4 -11% như hiện nay. “Điều này tạo cơ hội rất tốt cho việc xuất khẩu sang EU. Minh Phú cũng như các doanh nghiệp đã chờ đợi cơ hội này từ mấy năm rồi”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo ông Quang, 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú sang thị trường EU đạt 24,9 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang thị trường này. "Hiện nay thị trường EU chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú. Khi hiệp định có hiệu lực, chúng tôi kỳ vọng sẽ nâng thị phần thị trường này lên 15 – 20%", ông Quang khẳng định.
Với EVFTA, mức thuế xuất khẩu tôm sẽ giảm về 0% thay vì 4 - 11% như hiện tại
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản (Vasep) thì ngoài những lợi ích cơ bản là thuế xuất nhập khẩu, việc tham gia EVFTA sẽ giúp ngành tôm Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác như Ấn Độ, Thái Lan. Cùng với đó là thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn. “Một khía cạnh nữa là các vấn đề về tiếp cận thị trường cũng như các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sẽ được cụ thể hơn và trên cơ sở sẽ được thiết lập một chiến lược về hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường này", ông Hòe cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi sẽ có những thách thức mới cho ngành tôm Việt Nam khi tham gia EVFTA như: các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước khác về giá thành. "Hiệp định này cũng có những thách thức như về bản quyền, chính sách an sinh xã hội. Những vấn đề này thì các doanh nghiệp lớn đáp ứng được, còn các doanh nghiệp nhỏ thì rất khó", ông Quang chia sẻ.
Theo số liệu của Vasep, tính đến giữa tháng 5/2019 , xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt gần 210 triệu USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do một phần do nguồn cung tôm thế giới tăng, kéo giá tôm XK giảm, những xáo trộn về kinh tế, chính trị đang diễn ra tại EU cũng tác động tới xuất nhập khẩu tôm tại thị trường này.
Bên cạnh đó, trên thị trường EU, Việt Nam phải cạnh tranh chủ yếu với Ấn Độ và Ecuador. Trong khi xuất khẩu tôm từ Ấn Độ có xu hướng giảm do các vấn đề chất lượng. Ecuador lại đang tăng cường xuất khẩu tôm thị trường này sau khi FTA giữa Ecuador và EU có hiệu lực.