(PLO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu năm 2025 ngành tôm Việt Nam mang lại nguồn thu từ xuất khẩu đạt 10 tỉ USD.
CP1
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức “Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản và lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững”. Điều đặc biệt là tham gia sự kiện này có 4 đối tác từ Hoa Kỳ là Aramark, Bon Appettite, Santa Monica Seafoods, Fortune Fish & Gourmet.
Ông Lê Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau dẫn lại thông điệp Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2017 do Thủ tướng chủ trì, rằng: ngành tôm Việt Nam phải trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế của đất nước.
Lễ ký kết thành lập liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững.
Theo ông Sửu, Cà Mau đã xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái với diện tích gần 20.000 ha và đạt được nhiều chứng nhận quốc tế; giá tôm có chứng nhận bình quân cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Sản phẩm tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia; trong đó thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho hay: trong 5 tháng đầu năm 2019, ngành tôm duy trì tốc độ tăng trưởng, duy trì hiện trạng diện tích nuôi, số doanh nghiệp. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu có giảm nhẹ, do tồn đọng thị trường tôm tại Nhật, EU, Mỹ và do cả sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp trên thế giới.
“Hy vọng liên minh sản xuất tôm sạch, bền vững sẽ giúp thị trường trong nước và quốc tế hiểu rõ về con tôm Việt Nam. Liên minh này sẽ mang sản phẩm tôm sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới”, ông Hải nói.
Còn ông Nguyễn Đức Tùng, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của Thủ tướng dẫn lại lời Thủ tướng và cho rằng: “Tôm là ngành mà Việt Nam đặt nhiều mục tiêu. Thủ tướng đã đặt mục tiêu năm 2025 ngành tôm Việt Nam sẽ mang lại nguồn thu từ xuất khẩu là 10 tỉ USD”.
Ông Tùng hy vọng với mục tiêu đưa tôm Việt Nam đi khắp thế giới, thì các đối tác lớn trên thế giới trong ngành tôm, đặc biệt trong lĩnh vực thu mua tôm, sẽ định kỳ đến Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung để hỗ trợ ngành tôm Việt Nam.
Về liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững, ông Sửu cho rằng các bên liên quan cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc, tổ chức cuộc họp định kỳ để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ và phát triển ngành tôm.