Hội nghị nhằm triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao về xây dựng Đề án phát triển ngành chế biến rau, củ, quả, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV/2020.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị tham vấn Đề án phát triển ngành chế biến rau củ quả phục vụ tái cơ cấu
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Ngành nông nghiệp trong năm qua đã tập trung rất mạnh mẽ vào việc tái cơ cấu ngành, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, các địa phương và doanh nghiệp cũng đã rất nỗ lực.
Hàng năm thực hiện tái cơ cấu đã thu được rất nhiều kết quả, nổi bật lên một số ngành hàng làm bài bản, quyết liệt, trong đó có ngành rau quả có sự tăng trưởng rất nhanh.
Đến nay cả nước có trên 1 triệu ha cây ăn quả, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu liên tục và rất đều đặn. Nếu như năm 2012 xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 1 tỉ USD, thì đến năm 2019 đã xuất khẩu đạt khoảng 3,7 tỉ USD, năm nay nếu không có dịch Covid thì ngành hàng rau quả xuất khẩu chắc chắn sẽ đạt con số trên 4 tỉ USD.
Ngoài thị trường truyền thống như Trung Quốc, năm nay các thị trường khác đang tăng trưởng rất tốt, đặc biệt sang Mỹ, EU, Bắc Á, Nhật Bản, kể cả xuất khẩu sang Thái Lan cũng tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, với trái cây dư địa và cơ hội còn rất lớn nếu như làm căn cơ bài bản; đặc biệt ở một số địa phương vùng ĐBSCL làm rất tốt như ở như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, hay miền Đông Nam bộ có tỉnh Bình Thuận với sản phẩm thanh long và Tây nguyên nổi lên có tỉnh Gia Lai, hay ở phía Bắc có Sơn La là vùng núi khó khăn nhưng hiện nay có gần 100 ngàn ha cây ăn quả.
Với ngành hàng rau củ quả cần phải đẩy mạnh khâu bảo quản chế biến nhằm mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Trong 3 năm gần đây, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó. Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu mua chế biến rau quả tăng mạnh, hiện nay có đến 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ; đồng thời có khoảng 156 nhà máy chế biến hiện đại theo công nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH Năm Dũng tham vấn cho Đề án phát triển ngành chế biến rau củ quả phục vụ tái cơ cấu
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì vẫn chưa đạt, hiện tất cả các loại sản phẩm trái cây chế biến xuất khẩu mới chỉ khoảng 15%, còn 85% vẫn là giá trị xuất tươi cho nên dư địa còn rất lớn.
Chính vì vậy, Chính phủ hiện đang rất quan tâm đến ngành nông nghiệp, đặc biệt có chính sách cho tái cơ cấu, liên tục có các văn bản hướng dẫn luật hỗ trợ.
Chưa bao giờ trong ngành nông nghiệp trong một nhiệm kỳ mà có tới 5 - 6 bộ luật đã được thông qua, và từng lĩnh vực có thế mạnh cụ thể thì có những chỉ thị riêng…
Gần đây, Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp xây dựng đề án chế biến của 3 mặt hàng nông sản có thế mạnh như lâm nghiệp, tôm, rau quả, do đó riêng lĩnh vực chế biển bảo quản rau quả cũng là cơ hội để phát triển vì dư địa còn rất lớn.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các vấn đề thực trạng và định hướng phát triển cây ăn quả đến năm 2030; Xu thế công nghệ chế biến, bảo quản rau quả trên thế giới và Việt Nam; Kinh nghiệm tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ rau quả của các đơn vị doanh nghiệp, địa phương...
MINH CHIẾN
nguồn: Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam.